Phòng ngừa trong sinh hoạt hàng ngày
Chế độ ăn uống và quần áo
1. Đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày có đủ chất xơ như trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc… để tránh bị táo bón (nếu bị táo bón thường xuyên, bạn có nguy cơ bị suy tĩnh mạch do tăng áp lực ổ bụng khi đi cầu).
2. Đảo bảo uống đủ nước mỗi ngày. Nhu cầu nước mỗi ngày cho cơ thể một người lớn là 2 lít nước (bao gồm: nước uống và cả những thức ăn hoặc thức uống có nước), đặc biệt khi thời tiết nóng.
3. Giày dép – nên mang kiểu giày gót thấp và đế mềm. Không nên mang giày cao gót. Nên bước đi tự nhiên bằng cả bàn chân.
4. Quần áo – không nên mặc những loại quần áo chật, đặc biệt bó sát ở vùng chậu và hông.
5. Tránh khiêng xách nặng. Ví dụ như đi chợ, mua sắm – sẽ làm cho mạch máu dồn xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch càng bị quá tải. Cố gắng tránh xách nặng – hãy để tất cả lên xe đẩy.
Hơi nóng và tĩnh mạch ở chân
Làm nóng chân, ngâm chân nước nóng và thoa dầu nóng là những cách người ta hay làm khi đau nhức chân. Sự thật là tác nhân nóng càng làm cho tình trạng bệnh của tĩnh mạch thêm trầm trọng. Bởi vì tác động nhiệt sẽ làm mạch máu dãn nở, nên làm giảm khả năng vận chuyển máu hồi lưu về tim.
1. Tránh tắm nước nóng – sau khi tắm xong nên xối chân lại bằng nước lạnh. Nước lạnh sẽ làm co thắt tĩnh mạch, giúp cho sự vận chuyển máu hồi lưu về tim dễ dàng hơn.
2. Tránh tắm nắng thường xuyên. Nắng nóng có hại cho tĩnh mạch của bạn. Bạn nên chọn nơi có bóng mát, và nếu có điều kiện bạn nên đi dạo trên bờ biển bằng cách lội chân trần trong nước lạnh.
3. Tắm hơi và ngâm mình trong nước nóng (Jacuzzi) cũng được, nhưng sau đó bạn phải nhớ xối chân lại bằng nước lạnh và nằm gác chân lên cao.
4. Tránh mặc quần sọt đi ngoài nắng. Nên mặc quần dài để che nắng không trực tiếp chiếu vào chân.
5. Tránh đi bộ với chân trần (không mang giày dép). Khi làm bất cứ việc gì tiếp xúc với nóng như đi chân trần, phải lưu ý không để quá lâu, và nên xối chân lại bằng nước ngay sau đó để làm mát da.
Xem thêm: Suy tĩnh mạch là gì?