BỆNH SUY TĨNH MẠCH

Suy tĩnh mạch là bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Quan niệm bệnh “chỉ có ở Tây Âu” không còn phù hợp, bởi nguyên nhân của Suy tĩnh mạch chủ yếu là do ít vận động gây ra.

Suy tĩnh mạch còn được gọi dưới các thuật ngữ khác như: suy giãn tĩnh mạch, suy tĩnh mạch chi dưới, suy dãn tĩnh mạch chi dưới, suy tĩnh mạch mạn tính, suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính, suy van tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch chi dưới… Tất cả đều chỉ mô tả cùng một tình trạng suy giảm chức năng của tĩnh mạch là “thu gom máu và các chất dịch đã qua sử dụng để đưa về tim” để thực hiện quá trình tuần hoàn máu, hay còn gọi là quá trình “làm tươi máu” trở lại.

Trước khi đến tim, “máu dơ” sẽ được vận chuyển đến thận rồi đến gan để lọc sạch chất dơ trong máu (mỗi cơ quan lọc được một số chất theo chức năng của nó). Khi máu đến tim, tuy đã được lọc sạch, nhưng nó vẫn chứa nhiều khí carbonic (CO2) nên vẫn chưa sử dụng được. Tim sẽ bơm máu này lên phổi, thông qua quá trình hô hấp (động tác hít thở) để thực hiện quá trình thải khí carbonic ra không khí và lấy khí ô-xy (O2) vào máu. Như vậy, máu “giàu ô-xy” lúc này gọi là “máu tươi” sẽ được đưa trở lại tim và bơm đi khắp cơ thể.

“Máu tươi” sẽ cung cấp ô-xy và chất dinh dưỡng cho các tế bào trong cơ thể chúng ta. Tất cả các hoạt động của cơ thể con người đều là kết quả của sự vận hành phức tạp của hàng tỷ tỷ tế bào các loại từ não bộ trung ương đến các tế bào da ngoại vi. Mỗi ngày chúng ta đều cần phải ăn uống và hít thở khí ô-xy trong lành, thì từng tế bào đó đều có nhu cầu tương tự như vậy.

Như nói ở trên, quá trình “làm tươi máu” sẽ làm máu từ chân được vận chuyển lên tới phổi. Do đó, nếu xuất hiện cục máu đông (huyết khối) ở tĩnh mạch chân sẽ có nguy cơ cục máu đông đó theo dòng máu lên tới phổi gây tắc mạch phổi gọi là “thuyên tắc phổi”. Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh suy tĩnh mạch. Tùy theo độ lớn của cục máu đông cũng như vị trí tắc ở phổi (tắc nhánh nhỏ, nhánh lớn, hay tắc ngay gốc lớn…) mà bệnh nhân có thể “lướt qua” và sống sót, hoặc nặng nhất có thể gây tử vong nếu tắc nhánh quá lớn, làm giảm chức năng hô hấp đột ngột gọi là “suy hô hấp cấp”.

Cấu trúc phổi như hình ảnh một cây cổ thụ với gốc cây, nhánh lớn, nhánh nhỏ và vô số nhánh con. Khi tắc mạch phổi ở một nhánh nào đó, nó sẽ làm chết một vùng phổi tương ứng do mạch máu đó chi phối. Bệnh nhân “lướt qua” được là do vùng phổi bị chết không đáng kể và các vùng còn lại hoạt động bù trừ. Đó là lý do tại sao nhiều trường hợp nằm viện lâu bỗng dưng “bệnh trở nặng” mà người ta thường đổ lỗi cho “sai sót chuyên môn”. Ở các nước tiên tiến, tất cả các trường hợp tử vong trong bệnh viện đều bắt buộc khám nghiệm tử thi với 2 mục đích: xác định nguyên nhân và nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đều chỉ ra rằng, có một tỷ lệ lớn ” bỗng dưng bệnh trở nặng” là do thuyên tắc phổi.

Một hình ảnh nữa thỉnh thoảng báo chí nói đến là vừa bước xuống máy bay bị đột tử. Ngoài các nguyên nhân về bệnh tim mạch, thì thuyên tắc phổi do suy tĩnh mạch chi dưới là thủ phạm của tình trạng này.