Nguyên nhân của Suy tĩnh mạch?
Những thói quen hàng ngày được liệt kê dưới đây sẽ góp phần làm cho bệnh Suy tĩnh mạch phát triển theo thời gian, được phân làm 3 nhóm nguyên nhân sau đây:
1. Các yếu tố làm tăng áp lực ổ bụng hoặc đè ép trực tiếp lên đường đi của tĩnh mạch sâu (làm cản đường máu chảy về tim)
Mang thai
Mặc quần áo bó sát (quá chật bụng hoặc bó sát chân)
Các môn thể thao làm tăng áp lực ổ bụng và nhấc vật nặng
Ho mạn tính hoặc táo bón (rặn sẽ tạo áp lực mạnh lên các tĩnh mạch chân do tăng áp lực ổ bụng)
Ngồi lâu hoặc bắt tréo chân kéo dài
Béo phì
Ngồi bắt tréo chân quá lâu dễ bị suy tĩnh mạch
2. Các yếu tố làm dãn trực tiếp thành tĩnh mạch
Cồn (uống rượu, bia…), thoa dầu nóng
Nước nóng, hơi nóng (ngâm chân nước nóng, đứng lò, đi chân trần trên cát hoặc phơi chân trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời…)
Các nội tiết tố như:
– Uống thuốc ngừa thai
– Nội tiết tố (hormone) trong lúc mang thai
– Nội tiết tố thời kỳ mãn kinh
Như vậy có thể thấy rằng mang thai là yếu tố nguy cơ cao vì phải chịu cùng lúc 2 nhóm nguyên nhân: tăng áp lực ổ bụng và thành mạch yếu do nội tiết tố lúc mang thai. Các nghiên cứu cho thấy 50% phụ nữ mang thai lần đầu sẽ bị suy tĩnh mạch sau 5-8 năm sau khi sanh biểu hiện bằng các triệu chứng sớm. Nếu sanh con lần thứ 2 thì tỷ lệ cao hơn và sớm hơn. Phụ nữ thời kỳ mãn kinh cũng dễ bị suy tĩnh mạch hơn do thành mạch yếu.
Vì các lý do trên, nên phụ nữ mắc bệnh suy tĩnh mạch nhiều hơn nam giới, đặc biệt tăng lên nhiều sau thời kỳ mãn kinh.
Thuốc ngừa thai cũng là nhân tố gây suy tĩnh mạch
3. Các yếu tố làm giảm hoặc làm triệt tiêu hoạt động bơm của cơ
Phải làm việc ở tư thế đứng hoặc ngồi cả ngày
Mang giày cao gót quá mức
Bất động chân quá lâu do bệnh tật (tai biến, chấn thương sọ não, gãy xương, đau thần kinh tọa không dám đi lại…)
Liệt chân hoàn toàn
Chân của bạn thường xuyên phải đứng lâu
Thêm vào đó, yếu tố nguy cơ chính được kể đến là bẩm chất di truyền. Thường trong gia đình có nhiều người bị suy tĩnh mạch. Cùng một yếu tố nguy cơ như nhau, với cường độ và thời gian như nhau, nhưng thành mạch “yếu hơn” của nhóm người trong gia đình có nhiều người bị, thì sẽ dễ bị suy tĩnh mạch hơn người khác.