Tại sao tĩnh mạch bị mệt mỏi?
Tĩnh mạch bị “mệt mỏi” là do quá sức chịu đựng của nó. Thành mạch được cấu tạo bởi các tế bào cơ xếp nối tiếp vào nhau, và chỉ có duy nhất một lớp mỏng mà thôi. Cũng giống như các cơ bắp chân, bắp tay, khi làm việc quá sức sẽ thấy mỏi và mệt, cần phải nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe của cơ. Nhưng tĩnh mạch không được nghỉ ngơi do chúng ta không nhận biết nó bị mệt mỏi, mà chỉ biết khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sớm suy tĩnh mạch, lúc đó nó đã bị dãn rồi.
Áp lực do đâu mà có ?
Do hậu quả của tư thế đứng thẳng và lối sống kém vận động, con người là sinh vật sống mắc bệnh tĩnh mạch khá phổ biến. Sự thiếu vận động thể lực và đứng hoặc ngồi quá lâu đã đè nặng một áp lực đáng kể lên hệ tĩnh mạch trong nhiều giờ một ngày. Hoạt động bơm của cơ lúc này không còn hỗ trợ thỏa đáng cho việc vận chuyển máu về tim, do các bắp cơ không vận động. Máu bị ứ đọng ngày càng nhiều, làm cho áp lực bên trong lòng mạch tăng lên theo thể tích máu ngày càng tăng. Tĩnh mạch cố gắng “giữ lại” lại bằng cách cố sức co lớp cơ mỏng manh của nó, nhưng khi lượng máu ứ quá nhiều và liên tục tăng về cuối ngày làm việc, nó sẽ “mệt lã” và “buông xuôi”, tạo các lỗ hở giữa các tế bào cơ, và nước trong lòng mạch thoát ra ngoài, gây ra phù chân.
Một cơ địa di truyền và tuổi lớn dần hoặc sự góp phần của các nội tiết tố (hormone) và còn thêm mang thai nhiều lần sẽ tạo thêm nhiều bất lợi cho tĩnh mạch.
Tĩnh mạch bị căng phồng lên do đường kính tĩnh mạch tăng lên nên các van không còn đóng kín nữa, tác dụng của van “một chiều” không còn. Do đó, máu càng chảy ngược xuống và các tĩnh mạch nông – do không được cố định bởi cơ hoặc xương – bị căng phồng lên và xuất hiện tĩnh mạch dãn ngoằn nghèo dưới da.
Vậy các tĩnh mạch dãn là gì?
“Chứng dãn tĩnh mạch” (varicose) là một thuật ngữ y khoa, dùng để mô tả các tĩnh mạch bị dãn, căng phồng lên một cách bất thường và vĩnh viễn. Các tĩnh mạch này không bao giờ hồi phục được tính đàn hồi ban đầu của nó, làm cho nó không thể vận chuyển máu một cách hiệu quả.