Phẫu thuật – chích xơ – RFA

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp nào, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh: độ lớn của tĩnh mạch bị dãn, có biến chứng không, nguy cơ của tĩnh mạch dãn…

Điểm chung của các phương pháp xâm lấn là nhằm loại bỏ vĩnh viễn các tĩnh mạch dãn nổi dưới da (các tĩnh mạch nông), hoàn toàn không can thiệp vào hệ tĩnh mạch sâu. Mục đích là để thẩm mỹ, để điều trị hoặc phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra (như khả năng hình thành huyết khối cao đối với các tĩnh mạch ngoằn nghoèo gấp khúc quá nhiều).

Cũng cần nhắc lại là hệ tĩnh mạch nông chỉ có tác dụng “thu gom” dịch và các chất thải chuyển hóa để đưa vào tĩnh mạch sâu. Từ đó, tĩnh mạch sâu sẽ “vận chuyển” máu về tim, sau khi đã qua thận và gan để lọc chất dơ, sau đó đưa lên phổi để đổi lấy ô-xy. Như vậy, sau khi loại bỏ tĩnh mạch nông, các chất dịch dơ sẽ được thu gom bằng các tĩnh mạch còn lại hoặc tân sinh các mạch máu, hoặc bằng hệ thống bạch huyết tại chỗ.

BẮN LASER QUA DA

Là dùng năng lượng laser “bắn” qua da để đốt những mạch máu nhỏ li ti nổi lên bề mặt da (tĩnh mạch mạng nhện). Sức nóng laser sẽ làm mạch máu teo lại và tắc vĩnh viễn. Mạch máu chết sẽ ẩn dưới da.

Phương pháp này chỉ áp dụng cho các tĩnh mạch mạng nhện (các sợi gân đỏ li ti nổi dưới da) mà không dùng cho các tĩnh mạch lớn hơn.

CHÍCH XƠ

Là dùng một loại th tạo bọt đặc biệt tiêm vào tĩnh mạch dãn để làm đông khô tĩnh mạch lại. Loại thuốc này khi tiếp xúc với máu trong tĩnh mạch sẽ nhanh chóng đông lại, làm tắc vĩnh viễn mạch máu này (giống như đổ xi măng). Qua thời gian, đoạn tĩnh mạch chết sẽ teo lại và ẩn dưới da.

Tùy theo độ lớn tĩnh mạch mà dùng nồng độ thuốc khác nhau. Tĩnh mạch càng lớn thì độ đậm đặc càng cao. Tĩnh mạch nhỏ quá thì không chích xơ được, phải đốt laser qua da.

phongmo1

PHẪU THUẬT TƯỚC TĨNH MẠCH

Tước tĩnh mạch có thể dùng dụng cụ hoặc không. Nguyên tắc là rạch da hai đầu tĩnh mạch cần lấy bỏ, sau khi cầm máu, rút bỏ tĩnh mạch dãn. Phương pháp này không để lại tĩnh mạch dưới da như phương pháp khác, do đó không thấy “một đường xanh” ẩn dưới da sau khi làm thủ thuật.

RẠCH TĨNH MẠCH LẤY CỤC MÁU ĐÔNG

Khi tĩnh mạch bị tắc gây phù chân bên dưới chỗ tắc. Tùy theo tình trạng lâm sàng, bác sĩ sẽ quyết định thời điểm thích hợp để rạch lấy đi cục máu đông, nhằm giải áp cho mạch máu, tạo sự lưu thông trở lại bình thường. Nếu điều trị nội khoa làm tan cục máu được thì có thể không cần làm thủ thuật này.

ĐỐT NỘI MẠCH BẰNG LASER HOẶC SÓNG RADIO (RFA)

Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, cũng giống như phương pháp phẫu thuật tước tĩnh mạch, mục đích của phương pháp này là loại bỏ vĩnh viễn các tĩnh mạch nông bị dãn và lớn, còn tương đối thẳng. Nếu đã ngoằn nghoèo và gấp khúc nhiều, không làm được phương pháp này vì không thể luồn dây trong lòng mạch được.

Kỹ thuật cơ bản là luồn một sợi dây kim loại thật mảnh vào trong tĩnh mạch (có camera hoặc không), từ dưới lên, đến vị trí cần thiết, sau đó bấm nút khởi động trong vài giây, sức nóng của laser hoặc RF sẽ làm teo đầu trên của mạch máu, làm tắc đường về và chết mạch máu vĩnh viễn. Qua thời gian, mạch máu sẽ khô đi, để lại một đường gân xanh đen dưới da.

Xem thêm: Bệnh suy tĩnh mạch là gì?