Nghề nào dễ bị Suy tĩnh mạch?

Nghề nghiệp là nhân tố chính gây ra bệnh Suy tĩnh mạch. Những nghề phải đứng lâu, ngồi lâu suốt cả ngày, ít vận động bắp chân, hoặc vận động quá mức đều gây ra Suy tĩnh mạch.

1. Công nhân đứng ca
Hình ảnh ấn tượng nhất là vào mỗi cuối ca, một người ngồi để một người khác dùng hết sức mình để kéo đôi giày cao su bảo hộ lao động khỏi chân của bạn mình. Sáng thì tự mang vô được, nhưng chiều thì không thể tự tháo ra được. Đó là do phù chân về chiều do đứng lâu.

2. Bác sĩ phẫu thuật
Mỗi ngày phải đứng mổ liên tục vài tiếng đồng hồ cho một ca mổ là bình thường. Nếu phải mổ vài ca một ngày, bác sĩ sẽ phải đứng 6-10 giờ. Nếu gặp ca khó, cấp cứu nặng… có thể phải đứng liên tục 6 giờ liền là điều bình thường ở các phòng mổ trong bệnh viện.

3. Giáo viên
Đứng giảng nhiều giờ mỗi ngày không phải là công việc nhẹ nhàng. Trong khi giảng, cố gắng tự tạo cho mình cơ hội đi lại trong lớp học để tăng vận động bắp chân. Tuy nhiên, cho dù vậy, cũng cần vận động thêm khi về nhà.

4. Nhân viên văn phòng
Ngồi suốt ngày bên máy vi tính là hình ảnh thường gặp của nhân viên văn phòng. Từ giám đốc, tới trưởng phòng và nhân viên văn phòng đều có nguy cơ suy tĩnh mạch do tính chất công việc gây ra.

 

5. Nhân viên đứng bán thuốc, bán hàng…
Nhân viên bán hàng, bán thuốc… cũng ít đi lại nên cũng là đối tượng dễ bị suy tĩnh mạch. Tùy theo tính chất công việc, bận nên đi lại nhiều nhất có thể hoặc  tập vận động tại chỗ mỗi khi vắng khách. Bạn nên tranh thủ ngồi nhiều hơn đứng, vì đứng dễ bị suy tĩnh mạch hơn.

6. Bảo vệ
Chúng ta thường thấy ở các siêu thị, mấy anh bảo vệ đi tới đi lui và thỉnh thoảng co chân đá ra sau vài cái… Họ mỏi chân lắm rồi đó bạn! Đó là biểu hiện của suy tĩnh mạch.

7. Cảnh sát
Cảnh sát giao thông, đứng gác cơ quan… phải đứng suốt ngày và suốt ca trực của họ, và gần như không có cơ hội ngồi nghỉ là đối tượng nguy cơ cao của suy tĩnh mạch.

8. Tài xế
Ngồi sau tay lái, dù phải chạy xe đường dài hay tài xế taxi nội thành… đều phải để đôi chân ít vận động và tập trung quan sát, suy nghĩ, và xử lý tình huống trên đường.

9. Vận động viên (nhất là môn cử tạ)
Để có được thành tích trong thể thao, các vận động viên phải tập luyện, và các động tác đều làm “rắn chắc cơ bụng” để giữ cột sống không bị tổn thương khi nhấc vật nặng như cử tạ. Khi khiêng càng nặng thì cơ bụng càng ép vào càng nhiều, và do đó làm cản trở đường về của tĩnh mạch.

10. Những nghề phải phơi nắng cả ngày:
Đi biển, làm muối, làm ruộng, làm rẫy, xe ôm, đạp xích lô… Nên mặc quần dài khi làm việc để che nắng chiếu trực tiếp vào chân.

11. Những nghề tiếp xúc với môi trường nóng:
Đứng lò rèn, đứng lò tráng bánh, đi trên cát nóng…sẽ làm nóng đôi chân của bạn. Chính hơi nóng đó làm cho tĩnh mạch bị dãn và làm suy van tĩnh mạch. Bạn nên làm mát bằng nước mỗi khi có thể. Hoặc dùng vật cách nhiệt che chắn để ngăn chặn hơi nóng ảnh hưởng tới đôi chân bạn.

Thời gian kéo dài, từ năm này qua năm nọ, thậm chí cả đời… là yếu tố quan trọng nhất, cùng với quá trình lão hóa làm giảm khối lượng cơ bắp chân, nhão cơ, teo cơ… làm cho bệnh phát triển theo thời gian. Để giảm tác động này, cần bù đắp bằng việc năng tập thể dục hàng ngày như các bài tập trong “18 lời khuyên” hoặc vận động chân trong lúc làm việc (các động tác vận động tại chỗ làm việc).